Trang chủ Tìm kiếm Phản hồi

Ngôn ngữ:

Thứ ba, ngày 31 tháng 03 năm 2015
Tìm kiếm toàn văn:    
Công cụ làm việc cá nhân


    Hiện thực hoá những cam kết, thoả thuận giữa Việt Nam và Chi-lê

    • Send this page to somebody
    • Print this page
    (ĐCSVN) - Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Chi-lê đã phát triển sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, vào tháng 11/2011, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đây được coi là một trong những bước ngoặt lớn, có tác động thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

    Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Chi-lê tại Việt Nam Fernando Urrutia xung quanh vấn đề này.

    Phóng viên (PV): Chi-lê là một trong những quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ thiết lập quan hệ với Việt Nam. Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua?

    Đại sứ Fernando Urrutia: Trước hết, tôi cần phải nhắc lại rằng, vào năm 1971, khi Chi-lê thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đất nước chúng tôi lúc đó đang được điều hành bởi Chính phủ của Đảng Xã hội của Tổng thống Salvador Allende. Đây là Chính phủ đầu tiên ở Mỹ La tinh được lựa chọn một cách dân chủ bằng những lá phiếu bầu. Trước đó, để thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân Chi-lê với cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước của các bạn, vào năm 1969, Tổng thống Allende đã sang thăm Việt Nam, giữa lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra căng thẳng nhất và đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, là một sinh viên đại học Luật, tôi cùng nhiều sinh viên đều ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam.

    Sau đó, đã có một thời gian dài, quan hệ giữa hai nước ở cấp chính phủ bị gián đoạn, dưới thời của chính quyền quân sự Chi-lê, nhưng nhân dân hai nước vẫn tiếp tục duy trì những tình cảm đoàn kết và hữu nghị. Lần này, chính nhân dân Việt Nam đã thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Chi-lê dưới chế độ quân sự độc tài. Và vào năm 1990, khi chúng tôi thiết lập lại nền dân chủ, một trong những động thái đầu tiên của chính phủ Chi-lê là nối lại quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và vào những năm 2003 và 2004, lần lượt các Đại sứ quán thường trú của hai nước được mở lại tại Santiago và Hà Nội. Tôi là Đại sứ thứ 3 của Chi-lê tại Việt Nam kể từ đó đến nay.

    Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây, Tổng thống Chi-lê Sebastian Pinera Echenique cho rằng, Việt Nam cũng như Chi-lê đều đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vì độc lập và tự do, nhưng điều mà chúng ta còn phải làm bây giờ là giành thắng lợi trong “cuộc chiến” vì sự phát triển và phồn vinh của nhân dân mỗi nước.

    Chúng ta đang cùng thực hiện điều đó thông qua sự hợp tác, sự trao đổi về chính trị, giáo dục, văn hoá và thương mại. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do do Tổng thống Sebastian Pinera Echenique và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký kết năm 2011 trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương APEC tại Ha-wai và vừa mới được Quốc hội của Chi-lê và Việt Nam phê chuẩn, sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

    Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Hiệp định Thương mại tự do này sẽ nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước một cách nhanh chóng và không bao lâu nữa, chúng ta sẽ vượt qua con số 500 triệu USD của năm 2011 bằng con số 1 tỷ USD của kim ngạch buôn bán song phương. Hai nước chúng ta phấn đấu nâng kim ngạch trao đổi thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2022.

    Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần phải đặt ra những mục tiêu to lớn để tiến lên, bởi hai nước chúng ta giàu tiềm năng, biết chấp nhận những thử thách và có thể đạt được những mục tiêu đó, nhất là khi chúng ta cùng nhau phấn đấu, vì quyền lợi và hạnh phúc của tất cả những người dân Chi-lê và Việt Nam.

    PV: Theo Đại sứ, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi-lê có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đối với hai nước?

    Đại sứ Fernando Urrutia: Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa hai nước thật sự đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Ví dụ, trong 5 năm từ 2005 đến 2010, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đã tăng khoảng 204%, còn riêng năm 2011, tăng khoảng 44% so với năm 2010.

    Đó là những kết quả khi chưa có Hiệp định Thương mại tự do. Khi Hiệp định này có hiệu lực thì trao đổi thương mại hai chiều sẽ đạt được những kết quả to lớn, bởi 90% hàng hoá Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào Chi-lê không phải chịu thuế. Hiện nay, ngoài các mặt hàng truyền thống như vải vóc, quần áo, giày dép và hàng điện tử sản xuất tại Việt Nam, các mặt hàng khác cũng đang được xuất khẩu sang Chi-lê như thanh long, cà phê, chè. Chúng tôi hy vọng các loại hoa quả tuyệt vời khác như bưởi cũng sẽ sớm được xuất khẩu sang Chi-lê.

    Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 23/3 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng thống Sebastian Pinera Echenique đã tham dự Hội thảo Kinh tế Chi-lê – Việt Nam, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp lớn của Chi-lê và gần 300 doanh nghiệp Việt Nam. Đây là dịp để doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi trực tiếp để mở rộng hợp tác đầu tư.

    Để phấn đấu nâng kim ngạch trao đổi song phương giữa hai nước lên 1 tỷ USD vào năm 2012 và nâng lên 10 tỷ vào 10 năm tới, theo tôi, hai nước phải tăng cường hợp tác, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường... Về phía chúng tôi, sẵn sàng mở rộng cửa với các sản phẩm và các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn xuất khẩu hàng sang Chi-lê với thuế suất thấp và với một dân số có mức sống cũng như mức tiêu thụ đã được nâng cao, có thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD Mỹ/năm. Chúng tôi đang háo hức chờ đợi những sản phẩm tốt mà Việt Nam có khả năng đáp ứng.

    PV: Việt Nam và Chi-lê có nhiều điểm tương đồng, có thể hợp tác cùng có lợi, nhất là trong các lĩnh vực khai khoáng, khoa học – kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục… Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để việc hợp tác trên các lĩnh vực trên đạt hiệu quả tốt nhất ?

    Đại sứ Fernando Urrutia: Trước kia, hai nước chúng ta đã hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực như: khai khoáng, nông nghiệp, thuỷ hải sản... nhưng còn nhiều các lĩnh vực khác mà chúng ta có thể và cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

    Vào tháng 12/2011, Đoàn cán bộ cấp cao của liên Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã sang thăm Chi-lê.

    Các loại thuế và mức thuế khác nhau, các quy định pháp luật áp dụng cho các vụ chuyển nhượng khai khoáng, thuế tài nguyên và các biện pháp khuyến khích khai thác cũng như bảo vệ tài nguyên mà Chi-lê áp dụng trong lĩnh vực khai khoáng là những mối quan tâm của Việt Nam.

    Bên cạnh đó, giáo dục cũng là một vấn đề hai nước cần đẩy mạnh hợp tác. Theo tôi, các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và áp dụng chúng cho những đòi hỏi mới của cuộc sống ngày hôm nay, sẽ rất có ích cho Việt Nam.

    Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mặc dù là hai nước có khí hậu hoàn toàn khác nhau và cũng có những sản phẩm hoàn toàn khác biệt, nhưng chúng ta có thể hợp tác, ví dụ như trong lĩnh vực bảo quản đông lạnh hoa quả để xuất khẩu, cùng các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

    Tất cả những điều kể trên chúng ta đã và ngay bây giờ đang tiếp tục thực hiện, nhưng cần phải tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa.

    PV:
    Chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của Tổng thống Chile Sebastian Pinera Echenique đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

    Đại sứ Fernando Urrutia: Chính xác hơn, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của một Tổng thống Chi-lê, kể từ khi hai nước thiết lập các quan hệ. Thế nhưng trước đây, chưa bao giờ có một chuyến thăm dài ngày đến như vậy, cũng không có đoàn cấp cao nào đông đến như vậy, bao gồm ngoài các quan chức chính phủ còn có các nghị sỹ (3 Thượng nghị sỹ và 2 Hạ nghị sỹ); 2 thị trưởng của 2 thành phố lân cận thủ đô của chúng tôi; 3 lãnh đạo công đoàn và khoảng 20 nhà doanh nghiệp.

    Tổng thống Sebastian Pinera Echenique đã có các cuộc hội đàm và hội kiến đầy bổ ích với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tổng thống đã có được sự đồng cảm sâu sắc của tất cả các nhà lãnh đạo kể trên và có thể nói rằng, giờ đây, họ thật sự là những người bạn lớn gần gũi.

    Tại Hà Nội, Tổng thống đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Văn miếu Quốc Tử Giám, nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp và kinh doanh Chi-lê – Việt Nam, Tổng thống còn có cuộc hội kiến riêng với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đã thiết lập một tình bạn lớn với ngài Chủ tịch; thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, gặp gỡ các công dân Chi-lê và thăm địa đạo Củ Chi.

    Tuyên bố chung được Tổng thống Chi-lê và Chủ tịch nước Việt Nam ký kết, cũng như tất cả các cuộc hội kiến của Ngài với các nhà lãnh đạo, đã lập nên một đường đi, để sự hợp tác này giữa hai nước trở thành hiện thực; và cũng đã chỉ rõ một điều rằng, tôi - với tư cách là Đại sứ Chi-lê tại Việt Nam và bà Đại sứ Việt Nam tại Chi-lê, cũng như Bộ Ngoại giao của hai nước, chúng tôi có sứ mệnh kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các thoả thuận đã đạt được.

    Đồng thời, ngài Tổng thống Chi-lê và ngài Chủ tịch nước Việt Nam cũng đã thống nhất sẽ gặp nhau tại Hội nghị cấp cao APEC tại Vladivostok, Liên bang Nga, để cùng nhau đánh giá bước đầu của việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết giữa hai nước.

    Tôi cho rằng, vấn đề cơ bản không chỉ là đạt được các thoả thuận và ký kết chúng, mà quan trọng hơn là việc thực hiện các thoả thuận đó, để cho những thoả thuận đó biến thành hiện thực sinh động, tương xứng với tiềm năng hợp tác hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta. Đó chính là điều mà ngài Tổng thống Sebastian Pinera Echenique và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang nỗ lực cũng như đã cam kết bằng tất cả quyền hạn của mình. Biến tất cả những cam kết, thoả thuận đã đạt được thành hiện thực, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Chi-lê là trách nhiệm vinh quang của tất cả công dân hai nước chúng ta.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!


    Copyright by VietNam Ministry of Foreign Affairs